Saturday, 16/11/2024 - 15:25|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Trung Nghĩa
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SKKN: KINH NGHIỆM DẠY – ÔN MÔN GDCD PHÙ HỢP VỚI HÌNH THỨC THI – KIỂM TRA TRẮC NGHIỆM

 

PHẦN I: LÝ LỊCH

 

Họ và tên: Nguyễn Thị Ngọc Huệ

Chức vụ : Giáo viên

Đơn vị công tác: Trường THCS Trung Nghĩa – Thành phố Hưng Yên

Tên SKKN:  KINH NGHIỆM DẠY – ÔN MÔN GDCD PHÙ HỢP VỚI HÌNH THỨC THI – KIỂM TRA TRẮC NGHIỆM

        

 

 

PHẦN II: NỘI DUNG

A. PHẦN MỞ ĐẦU

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trắc nghiệm khách quan (Tiếng Anh: Objective test) là một phương tiện kiểm tra, đánh giá về kiến thức hoặc để thu thập thông tin.

Theo nghĩa chữ Hán, "trắc" có nghĩa là "đo lường", "nghiệm" là "suy xét", "chứng thực". Trắc nghiệm xuất hiện từ thế kỉ 19, do một nhà khoa học người Mỹ nghĩ ra nhằm đánh giá trí thông minh của con người. Sau đó, hai nhà tâm lí học người Pháp soạn ra bộ giáo án trắc nghiệm.

Trắc nghiệm khách quan không mới trên thế giới bởi đã được Kelly sử dụng lần đầu từ năm 1914 (Bracey, 2001. Thinking about the test).

Nước Mỹ đã áp dụng thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn học ở bậc Trung học Phổ thông cũng như kiểm tra đầu vào cho xét tuyển Đại học trong kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) từ năm 1926.

Ở Việt Nam, trắc nghiệm khách quan cũng không hề mới vì đã được sử dụng từ trước năm 1975 ở miền Nam, sau đó áp dụng cho kỳ thi 3 chung từ 2006 với các môn tiếng Anh, Lý, Hóa, Sinh. Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thay đổi phương án thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia (THPTQG) từ hình thức thi tự luận truyền thống sang thi trắc nghiệm (trừ môn Văn vẫn thi theo tự luận truyền thống).

Trong những năm gần đây, Hưng Yên đã sử dụng hình thức thi trắc nghiệm 100% trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đối với môn tổng hợp. Môn tổng hợp gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm của 7 môn: Lí, hóa, sinh, địa, sử, GDCD và tiếng Anh. Số câu hỏi các môn cụ thể như sau: 7 câu hỏi môn lí, 6 câu hỏi môn hóa, 7 câu hỏi môn sinh, 7 câu hỏi môn sử, 7 câu hỏi môn địa, 6 câu hỏi môn GDCD và 10 câu hỏi Tiếng Anh.

Môn GDCD là một trong 7 môn thi tổng hợp với số lượng 6 câu hỏi trắc nghiệm khách quan tương ứng với 1,2 điểm trên tổng số điểm 10 của toàn bài. Đây được coi là môn “gỡ” điểm trong bài thi tổng hợp. Vậy để học sinh có thể làm tốt các bài kiểm tra định kì và làm tốt phần câu hỏi môn GDCD trong bài thi tổng hợp cũng cần sự đầu tư của GV giảng dạy trong quá trình học – ôn.

Qua nhiều năm dạy học, được trực tiếp giảng dạy môn GDCD ở hầu hết các lớp bậc THCS tôi luôn mong muốn làm thế nào để học sinh của mình tiếp thu bài một cách, hứng thú nhất, hiệu quả học tập tốt nhất.  Vì vậy, tôi chọn và nghiên cứu đề tài: “Kinh nghiệm dạy – ôn môn GDCD phù hợp với hình thức thi – kiểm tra trắc nghiệm”, rất mong nhận được sự góp ý của các cấp lãnh đạo, Ban giám hiệu, tổ chuyên môn để đề tài phát huy hiệu quả cao hơn.

1. Thực trạng:

1.1. Mục tiêu của môn GDCD:

Việc dạy – học môn GDCD trong chương trình THCS cần đạt được những mục tiêu cơ bản sau:

a. Kiến thức

    - Hiểu được những chuẩn mực đạo đức và pháp luật cơ bản, phổ thông, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS trong các quan hệ với bản thân, với mọi người, với công việc và với môi trường sống.

    - Hiểu ý nghĩa của các chuẩn mực đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội, sự cần thiết phải rèn luyện và cách thức rèn luyện để đạt được các chuẩn mực đó.

b. Kỹ năng

    - Biết đánh giá hành vi của bản thân và mọi người xung quanh, biết lựa chọn và thực hiện cách ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật, văn hóa XH trong giao tiếp và hoạt động (học tập, lao động, hoạt động tập thể, vui chơi giải trí..)

    - Biết tổ chức việc học tập, rèn luyện của bản thân theo yêu cầu của các chuẩn mực đã học.   

c. Thái độ:

    - Có thái độ đúng đắn, rõ ràng trước các hiện tượng, sự kiện đạo đức, pháp luật, văn hóa trong đời sống hàng ngày, có tình cảm trong sáng, lành mạnh đối với mọi người, đối với gia đình, nhà trường, quê hương đất nước.

    - Có niềm tin vào tính đúng đắn của các chuẩn mực đã học và hướng tới những giá trị tốt đẹp. Có trách nhiệm đối với hành động của bản thân, có nhu cầu tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để trở thành một chủ thể xã hội tích cực, năng động.

1.2. Nội dung chương trình GDCD ở THCS

Nội dung chương trình GDCD ở THCS gồm 2 phần chính: Phần giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật. Cụ thể:

a. Những chuẩn mực đạo đức (là sự tiếp nối của những chuẩn mực hành vi đạo đức cụ thể đã học ở tiểu học, nhưng có tính khái quát cao hơn, thể hiện những yêu cầu cơ bản về đạo đức đối với người công dân trong giai đoạn hiện nay)   

Phần đạo đức gồm 8 chủ đề sau:

Sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư

Sống tự trọng và tôn trọng người khác

Sống có kỷ luật

Sống nhân ái, vị tha

Sống hoà nhập

Sống có văn hoá

Sống chủ động, sáng tạo

Sống có mục đích

b. Những chuẩn mực pháp luật

    - Đó là quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của nhà nước đối với công dân, được sắp xếp theo các lĩnh vực của đời sống từ đơn giản đến phức tạp.

    - Nội dung những quyền và nghĩa vụ của công dân được cụ thể hoá bằng những quy định của pháp luật. Quyền của nhà nước đối với công dân thể hiện qua chức năng quản lý xã hội của nhà nước.

Lĩnh vực pháp luật gồm 5 chủ đề lớn sau:

Quyền của trẻ em và quyền nghĩa vụ của công dân trong gia đình.

Quyền và nghĩa vụ của công dân về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hoá - giáo dục, kinh tế.

Quyền tự do cơ bản của công dân.

Nhà nước CHXHCNVN (quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý nhà nước)

Chương trình môn GDCD được xây dựng dựa trên cơ sở các môn khoa học cơ bản như: Đạo đức học, Luật học và một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Môn GDCD là môn học tích hợp nhiều nội dung giáo dục xã hội cần thiết cho công dân trẻ tuổi như: giáo dục kĩ năng sống, giáo dục môi trường, giáo dục phòng tránh HIV/AIDS,... Vì vậy đòi hỏi thầy cô giáo có kiến thức rộng nhiều lĩnh vực, đặc biệt cần có kiến thức xã hội, có nghệ thuật dạy học - giáo dục và có tâm hồn trong sáng.

1.3. Sự phân bố các chủ đề và mức độ giữa các lớp.

- Chương trình được xây dựng theo quan điểm tích hợp, cấu trúc chương trình theo nguyên tắc đồng tâm và phát triển, vì vậy các chuẩn mực đạo đức và pháp luật được bố trí học ở tất cả các lớp (kỳ I là Đạo đức, kỳ II là Pháp luật)

- Các chủ đề được bố trí theo trật tự, từ những vấn đề có tính chất cụ thể, gần gũi với cuộc sống của học sinh, đến những vấn đề khái quát hơn, phản ánh mối quan hệ của học sinh với môi trường hàng ngày rộng lớn.

- Trong từng chủ đề có sự bố trí, sắp xếp các nội dung dạy học theo nguyên tắc phát triển từ thấp đến cao, về nhận thức cũng như yêu cầu tu dưỡng rèn luyện, phù hợp với lứa tuổi học sinh ở từng giai đoạn.   

1.4. Thực trạng của việc kiểm tra – thi bằng hình thức trắc nghiệm.

Việc sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm đã và đang được áp dụng trong các bài kiểm tra định kì và 1 số bài thi dưới hình thức 100% trắc nghiệm hoặc kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận. Việc sử dụng kiểm tra – thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan đã bộc lộ những ưu điểm và tồn tại như sau:

- Đề thi mang tính bao quát cao và rộng: Nếu như thi tự luận lượng kiến thức sẽ ít hơn, tập trung vào từng dạng và coi trọng đến cách trình bày hơn; còn đối với thi trắc nghiệm thì ngược lại, lượng kiến thức thì vô tận, có nhiều dạng mới và đào sâu tất cả những gì có trong sách giáo khoa, nhưng đối với thi trắc nghiệm thì không cần bận tâm nhiều đến cách trình bày.

- Áp lực về thời gian thi: Rút ngắn thời gian thi ít lại trong khi đó lượng kiến thức vô cùng lớn, thí sinh nào học không chắc kiến thức sẽ không làm được dẫn đến tình trạng chọn đáp án một cách ngẫu nhiên

- Gây áp lực cho phụ huynh, học sinh và hơn hết là giáo viên: Họ phải tìm cách đổi mới phương pháp dạy, thay đổi giáo án, thay đổi cách kiểm tra, ôn tập... để làm sao cho học sinh mình có thể hiểu và nắm bắt kiến thức kịp thời, giải đề nhanh và chính xác… Nếu giáo viên không hướng dẫn kỹ thì học sinh cũng không biết phải đi theo hướng nào.

2. Ý nghĩa, tác dụng của phương pháp mới:

Để đạt được kết quả mục tiêu của môn GDCD ở cấp THCS, cao hơn là giáo dục đạo đức, giáo dục học sinh về ý thức và hành vi, góp phần trang bị cho học sinh kỹ năng sống, rèn luyện ý thức sống của người công dân, góp phần hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực cần thiết của công dân trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh đòi hỏi người giáo viên phải thay đổi từ chính nhận thức của bản thân, từ đó thay đổi phương pháp, kĩ thuật dạy học cho phù hợp với hình thức kiểm tra đánh giá hiện nay.

Sáng kiến kinh nghiệm của tôi sẽ tập trung vào việc đổi mới hình thức dạy, cũng như ôn tập cho học sinh để phù hợp với hình thức thi – kiểm tra trắc nghiệm hiện nay. Đây là những kinh nghiệm mà tôi rút ra được qua quá trình giảng dạy môn GDCD nhiều năm của mình. Sáng kiến của tôi có thể áp dụng trong việc giảng dạy môn GDCD các khối lớp, hoặc các môn học khác có áp dụng hình thức thi – kiểm tra trắc nghiệm. Do những năm gần đây tôi được phân công dạy chủ yếu môn GDCD 9 nên những ví dụ minh họa của sáng kiến tôi sẽ tập trung vào chương trình GDCD 9.

3. Phạm vi nghiên cứu:

Đề tài được tiến hành trong môn GDCD từ năm học 2017 - 2018 cho đến hết HKI năm học 2019 - 2020 tại Trường THCS Trung NghĩaTP Hưng Yên

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

1 Cơ sở lý luận cơ sở thực tiễn của đề tài

a. Cơ sở lý luận

          Hình thức thi trắc nghiệm đã được áp dụng trong kì thi tuyển sinh cao đẳng, đại học từ lâu và được cụ thể hóa bằng các công văn:

Công văn số: 9643/BGD&ĐT-KT&KĐ V/v hướng dẫn tổ chức thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ năm 2006 ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Bộ GD&ĐT.

Công văn số: 4821/BGDĐT-KT&KĐ V/v hướng dẫn thi trắc nghiệm ngoại ngữ năm 2006 ngày 09 tháng 06 năm 2006 của Bộ GD&ĐT.

Công văn số: 500/KTKĐCLGD V/v Chấm thi trắc nghiệm tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 ngày 10 tháng 07 năm 2009.

Công văn số: 5323/BGDĐT-KTKĐCLGD V/v Hướng dẫn thi trắc nghiệm ngày 14 tháng 07 năm 2009 của Bộ GD&ĐT.

Công văn số: 4818/BGDĐT-KTKĐCLGD V/v tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 ngày 28 / 9/ 2016 của Bộ GD&ĐT.

Một số văn bản liên quan đến việc sử dụng hình thức thi trắc nghiệm đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt, cụ thể:

Công văn số: 846/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 15 tháng 3 năm 2017 quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018.

Công văn số: 555/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 12 tháng 02 năm 2018 Quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 tỉnh Hưng Yên.

Công văn số: 17/KH-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 30 tháng 01 năm 2019 về Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 tỉnh HY.

Công văn số: 16/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, ngày 04 tháng 02 năm 2020 về Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021 tỉnh Hưng Yên.

Trong các kế hoạch, quyết định của tỉnh Hưng Yên đã ban hành quy định cụ thể về môn thi, hình thức thi THPT không chuyên như sau:

a) Môn thi

Thí sinh dự thi làm 03 bài thi: Toán, Ngữ văn, Bài thi tổng hợp (gồm 07 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh tổng hợp trong một bài thi).

Nội dung thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu ở lớp 9.

b) Hình thức thi

- Ngữ văn: Tự luận.

- Toán: 50% trắc nghiệm khách quan, 50% tự luận.

- Bài thi tổng hợp: 100% trắc nghiệm khách quan.

          Xuất phát từ những cơ sở nêu trên, để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục và đào tạo trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, việc nâng cao chất lượng giáo dục trong trường trung học cơ sở cả nước nói chung và trường THCS Trung Nghĩa nói riêng là một nhu cầu cấp thiết đặc biệt trong tình hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.

b. Cơ sở thực tiễn

Tôi được đào tạo chuyên ngành Văn – GDCD tại trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên. Từ khi ra trường năm nào tôi cũng được phân công giảng dạy môn GDCD. Trong những năm học gần đây, tôi được phân công giảng dạy chủ yếu môn GDCD 9. Khi giảng dạy tôi nhận thấy: Trong tâm niệm của của đa số phụ huynh và học sinh vẫn còn lối suy nghĩ bộ môn GDCD là bộ môn phụ trong nhà trường nên học sinh thường học chỉ để có đủ điểm, bỏ qua vấn đề suy ngẫm, tìm hiểu thêm kiến thức đằng sau mỗi bài học, thậm chí là học qua loa, học cho xong. Dù các trường đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng vẫn còn “bó khung” trong khuôn khổ của lớp học, giờ dạy nặng tính lý thuyết, thiếu những tư liệu, trích đoạn “người thật việc thật”, những tình huống “thật”… cho nên sức thuyết phục, độ cảm xúc của bài dạy chưa cao. Hơn nữa thời lượng dành cho môn GDCD chỉ có 1 tiết/ tuần mà lượng kiến thức thì khá nhiều, không chỉ riêng nội dung chính thức mà nhiều nội dung giáo dục khác nhau cũng "bị giao" cho môn GDCD để “tích hợp” (kĩ năng sống, giáo dục bảo vệ môi trường, Giáo dục quốc phòng và An ninh, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM…) nên việc dạy học mang nặng tính khái quát, giáo viên không có nhiều thời gian giảng dạy cặn kẽ cho học sinh những nội dung, vấn đề nào đó mà học sinh có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn.

Trước tình hình đó thiết nghĩ để nâng cao chất lượng giảng dạy và học môn GDCD là do nhiều yếu tố quyết định, chi phối: chương trình, sách giáo khoa, giáo án, phương pháp giảng dạy của giáo viên, ý thức, thái độ học tập của học trò. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học đóng vai trò then chốt. Có thể khẳng định, đổi mới phương pháp giảng dạy đang trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay. Người giáo viên dạy GDCD cần khôi phục động lực học tập, khơi dậy niềm say mê, phát huy tính năng động, gây hứng thú với học sinh bằng những giờ dạy thực sự hấp dẫn, lôi cuốn.

2.  Các phương pháp tiến hành và thời gian tạo giải pháp.

a. Các phương pháp tiến hành.

- Phương pháp nghiên cứu lý luận: Nghiên cứu dựa vào các Văn kiện, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ giáo dục về chỉ đạo dạy học ở  trường trung học phổ thông.

-  Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Quan sát, điều tra, tổng kết kinh nghiệm dạy học và qua kinh nghiệm dạy học của bản thân; Thông qua trao đổi, thảo luận với các bạn bè đồng nghiệp và học hỏi kinh nghiệm dạy học của các đồng chí giáo viên trong và ngoài nhà trường.

- Phương pháp hỗ trợ: Thống kê số liệu, phân tích số liệu, dựa vào bảng biểu, sơ đồ.

b. Thời gian tạo ra giải pháp.

Trong các năm từ năm học 2017 - 2018 đến HKI năm học 2019 - 2020 tại Trường THCS Trung Nghĩa- Thành phố Hưng Yên.

B. PHẦN NỘI DUNG

I. MỤC TIÊU.

- Xác định cơ sở khoa học của việc nâng cao chất lượng dạy học môn GDCD ở trường THCS Trung Nghĩa – Thành phố Hưng Yên.

- Đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục của môn GDCD trường THCS Trung Nghĩa – Thành phố Hưng Yên.

- Đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng bộ môn GDCD ở trường THCS Trung Nghĩa – Thành phố Hưng Yên.

- Áp dụng sáng kiến vào thực tiễn nhằm tạo cho học sinh tâm lí thoải mái khi học tập, có hứng thú, ham thích học tập môn GDCD. Từ đó nâng cao chất lượng dạy và học môn GDCD.

II. MÔ TẢ GIẢI PHÁP CỦA SÁNG KIẾN

1. Thuyết minh tính mới

Dưới đây là một số giải pháp trong quá trình lập kế hoạch, xây dựng phương án và tiến hành và triển khai sáng kiến kinh nghiệm của bản thân tôi tại trường THCS Trung Nghĩa.

1.1. Kinh nghiệm trong việc sử dụng sách giáo khoa môn GDCD

1.1.1. GV-HS khai thác tối đa những thông tin có trong SGK

Có thể nói tài liệu phục vụ việc dạy và học môn GDCD rất hạn chế.

Đối với học sinh chỉ có 1 cuốn SGK của từng khối lớp:

     

 

Đối với giáo viên ngoài SGK thì có thêm cuốn SGV và cuốn Thiết kế bài giảng:

     

     

   

Tài liệu dạy và học rất hạn chế nhưng thông tin liên quan lại có rất nhiều trong thực tế cuộc sống, trên các phương tiện thông tin đại chúng… Các thông tin đó chỉ mang tính chất tham khảo bổ trợ. GV và HS cần khai thác tối đa thông tin có trong sách giáo khoa – đây là nguồn thông tin chuẩn và chính thống nhất.

1.1.2. Sử dụng SGK mới xuất bản.

- Đầu năm học tôi luôn khuyến khích học sinh sử dụng sách giáo khoa mới. Vì đặc trưng của môn GDCD là luôn cập nhật những thông tin, số liệu, quy định … mới. Nếu sử dụng SGK cũ – mới không đồng bộ sẽ gây khó khăn trong quá trình khai thác kiến thức và quan trọng hơn việc tiếp cận thông tin cũ sẽ dẫn đến sai lệch kiến thức.

Ví dụ 1: Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân (SGK GDCD 9) mục 2b phần II. Nội dung bài học.

SGK GDCD (tái bản lần thứ 8) năm 2013 trang 42 viết:

-  “ Cấm kết hôn trong những trường hợp người đang có vợ hoặc có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự (bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình); giữa những người cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; giữa những người cùng giới tính.

SGK GDCD (tái bản lần thứ 14) năm 2019 trang 42 viết:

-  “ Cấm kết hôn trong những trường hợp người đang có vợ hoặc có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự (bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình); giữa những người cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính.

Nguyên nhân của sự thay đổi nội dung bài học trên căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Ví dụ 2: Bài 13: Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế (SGK GDCD 9) mục tư liệu tham khảo:

SGK GDCD 9 (tái bản lần thứ 8) năm 2013 trang 46 viết:

“Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”.

“Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của PL”

                                      (Điều 57 và 80 Hiến pháp năm 1992)

SGK GDCD 9 (tái bản lần thứ 14) năm 2019 trang 46 viết:

“Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà PL không cấm”.

“Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định”.

                             (Điều 33 và 47 Hiến pháp năm 2013)

Như chúng ta đã biết Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam là văn bản có giá trị cao nhất trong hệ thống Pháp luật của Việt Nam Bản hiến pháp đang có hiệu lực là bản năm 2013 là bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào sáng ngày 28 tháng 11 năm 2013. Như vậy những thông tin trong SGK cũ theo quy định của Hiến pháp 1992 không còn phù hợp nữa.

Ví dụ 3: Bài 17: Nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc (SGK GDCD 9) mục tư liệu tham khảo:

SGK GDCD 9 (cũ) trang 64 viết:

“ Công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi”             (Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981)

SGK GDCD 9 (tái bản lần thứ 14) năm 2019 trang 64 viết:

“Công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi”

(Điều 12, Luật Nghĩa vụ quân sự - sửa đổi, bổ sung năm 2005)

Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 12 năm 1981, đã được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất ngày 21 tháng 12 năm 1990, lần thứ hai ngày 22 tháng 6 năm 1994 và lần thứ 3 vào ngày 14 tháng 6 năm 2005. Trong “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 43/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005”  ghi rõ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự:

1. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 12: Công dân nam đủ mười tám tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ mười tám tuổi đến hết hai mươi lăm tuổi”.

Như vậy thông tin trong SGK GDCD 9 cũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 là không còn phù hợp.

- Trong trường hợp HS trong lớp sử dụng cả sách cũ và mới, GV phải nhấn mạnh, giải thích và yêu cầu HS tiếp nhận những thông tin mới nhất.

1.2. Kinh nghiệm dạy bài mới môn GDCD

1.2.1. Đối với giáo viên

- Thiết kế, tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động học tập với các hình thức đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn phù hợp với đặc trưng bài học, với đặc điểm và trình độ học sinh, với điều kiện cụ thể của lớp, trường và địa phương.

- Động viên, khuyến khích, tạo cơ hội và điều kiện cho học sinh được tham gia một cách tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình khám phá và lĩnh hội nội dung bài học; chú ý khai thác vốn kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng đã có của học sinh; bồi dưỡng hứng thú, nhu cầu hành động và thái độ tự tin trong học tập cho  học sinh; giúp các em phát triển tối đa tiềm năng của bản thân.

- Thiết kế và hướng dẫn học sinh thực hiện các dạng bài tập phát triển tư duy và rèn luyện kĩ năng; hướng dẫn sử dụng các thiết bị, đồ dùng học tập; hướng dẫn học sinh có kĩ năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn;..

- Sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học một cách hợp lí, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với đặc trưng của cấp học, môn học; nội dung, tính chất của bài học; đặc điểm và trình độ HS; thời lượng dạy học và các điều kiện dạy học cụ thể của trường, địa phương.

1.2.2. Đối với học sinh

- Tích cực suy nghĩ, chủ động tham gia các hoạt động học tập để tự khám phá và lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng, xây dựng thái độ và hành vi đúng đắn.

- Mạnh dạn trình bày và bảo vệ ý kiến, quan điểm cá nhân; tích cực thảo luận, tranh luận, đặt câu hỏi cho bản thân, cho thày, cho bạn; biết tự đánh giá và đánh giá các ý kiến, quan điểm, các sản phẩm hoạt động học tập của bản thân và bạn bè.

- Tích cực sử dụng thiết bị, đồ dùng học tập; thực hành vận dụng kiến thức đã học để phân tích, đánh giá, giải quyết các tình huống và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn; xây dựng và thực hiện các kế hoạch học tập phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế. - Để làm tốt bài thi trắc nghiệm khách quan, học sinh phải chuẩn bị kiến thức lý thuyết đầy đủ.

1.2.3. Không bỏ qua bất cứ 1 đơn vị kiến thức nào.

Chương trình GDCD THCS từng khối lớp đều gồm 2 phần: đạo đức và pháp luật được thiết kế như sau:

Lớp 6, 7:

1. Truyện đọc/ Thông tin sự kiện/ Quan sát ảnh…

2. Nội dung bài học

3. Bài tập

Lớp 8, 9:

I. Đặt vấn đề

II. Nội dung bài học

III. Bài tập

Khi dạy GV khai thác phần Truyện đọc/ Thông tin sự kiện/ Quan sát ảnh… hoặc phần Đặt vấn đề để rút ra nội dung bài học. Nội dung bài học là phần trọng tâm của bài. Phần nội dung bài học cần làm rõ:

Phần đạo đức

Phần Pháp luật

Khái niệm

Biểu hiện

Ý nghĩa

Cách rèn luyện

Khái niệm

Nội dung của quyền

Ý nghĩa

Cách rèn luyện

Bất cứ đơn vị kiến thức nào trong bài cũng có thể trở thành dữ liệu để xây dựng câu hỏi trắc nghiệm kể cả phần thông tin hay phần tư liệu tham khảo.

Ví dụ 1: Bài 6: Hợp tác cùng phát triển (GDCD 9 trang 20) phần I: Đặt vấn đề đã đưa ra thông tin:

“Tính đến tháng 12 - 2002, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ”

                   (Báo cáo thống kê của Tổng cục Hải quan trình Chính phủ và các Bộ có liên quan, ngày 31-12-2002).

Từ thông tin này có thể ra câu hỏi trắc nghiệm. VD câu hỏi trắc nghiệm trong bài thi tổng hợp Kỳ thi khảo sát chất lượng lớp 9 THCS năm 2017:

          Tính đến tháng 12 năm 2002, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ?

          A. 100 quốc gia.

          B. 200 quốc gia.

          C. 150 quốc gia.

          D. Trên 200 quốc gia.

Ví dụ 2: Bài 17: Nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc (GDCD 9) phần tư liệu tham khảo trang 64 viết:

“Công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi”

                   (Điều 12, Luật Nghĩa vụ quân sự - sửa đổi, bổ sung năm 2005)

Dựa vào thông tin này có thể ra câu hỏi trắc nghiệm. VD câu hỏi trắc nghiệm được sử dụng trong bài thi tổng hợp (Kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT không chuyên năm học 2018-2019)

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự - sửa đổi bổ sung năm 2005, lứa tuổi gọi nhập ngũ đối với nam thanh niên là từ đủ:

A. 17 tuổi đến hết 26 tuổi

B. 18 tuổi đến hết 25 tuổi

C. 18 tuổi đến hết 24 tuổi

D. 16 tuổi đến hết 23 tuổi

Các câu hỏi không quá khó nhưng để làm được học sinh cần phải nhớ kiến thức. Như vây khi dạy và học đòi hỏi GV và HS phải học chi tiết, toàn diện, không bỏ qua bất cứ một đơn vị kiến thức trong bất kì một bài học nào.

1.2.4. Học đến đâu ôn tập đến đó.

Cả chương trình GDCD 9 học sinh được học tất cả 17 bài (Trừ bài: Trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước). Nội dung các bài này sẽ được kiểm tra trong các bài kiểm tra định kì (15 phút, 1 tiết và học kì); kiểm tra bằng 6 câu hỏi trắc nghiệm trong bài thi tổng hợp của 2 kỳ khảo sát chất lượng lớp 9 và 6 câu hỏi trắc nghiệm trong bài thi tổng hợp của kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT không chuyên. Với số lượng kiến thức khá lớn, thời gian học lại kéo dài nên không thể để đến lúc thi mới ôn tập. Vì vậy tôi thường xuyên cho học sinh ôn tập bằng hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm sau khi học xong mỗi bài hoặc đưa vào phần kiểm tra bài cũ khi học bài sau.

Ví dụ: Khi dạy xong tiết 1 bài “Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí của công dân” tôi đã đưa ra 6 câu hỏi trắc nghiệm để giúp học sinh nhớ, phân biệt các khái niệm và các loại vi phạm pháp luật:

Câu 1: Vi phạm pháp luật hành chính được hiểu là:

A: Hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm các quan hệ về tài sản.

B: Hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội.

C: Hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm các quy tắc quản lí nhà nước mà không phải tội phạm.

D:  Hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm các  quan hệ kỉ luật lao động.

Câu 2: Vi phạm pháp luật hình sự được hiểu là:

A: Hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm các quan hê về tài sản.

B: Hành vi vi phạm đạo đức thuần phong mỹ tục.

C: Hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm các quy tắc quản lí nhà nước mà không phải tội phạm.

D: Những hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Câu 3: D 16 uổi, điều khiển xe máy 70 phân khối và không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Hành vi của  D đã vi phạm pháp luật nào dưới đây?

 A : Vi phạm Luật Hành chính             

 B:  Vi phạm pháp Luật Hình sự

C : Vi phạm pháp Luật Dân sự

D: Vi phạm nội quy trường hoc về văn hóa tham gia giao thông .

Câu 4: Trong giờ làm bài thi, H đã cố tình sử dụng tài liệu để “quay” bài. Giám thị phát hiện và yêu cầu H dừng làm bài. Hành vi của H đã vi phạm điều gì dưới đây?

A: Vi phạm hạnh kiểm của người học sinh.

B: Vi phạm kỉ luật trường học

C: Vi phạm sự công bằng trong thi cử.

D: Vi phạm thành tích học tập của trường

Câu 5. Hành vi nào dưới đây không phải là hành vi vi phạm pháp luật ?

A. Người lái xe uống rượu say, đâm vào người đi đường.

B. Em bé 5 tuổi nghịch lửa làm cháy gian bếp nhà hàng xóm.

C. Đá bóng dưới lòng đường gây tai nạn giao thông.

D. Điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.

Câu 6. Em hãy xác định hành vi nào sau đây vi phạm pháp luật dân sự?

A. Thực hiện không đúng các quy định trong hợp đồng thuê nhà

B. Trộm cắp tài sản công dân.

C. Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

D. Nghỉ học không có giấy xin phép

Trong quá trình dạy học, ngoài những bài tập phần III trong SGK, giáo viên cần phải đưa thêm câu hỏi trắc nghiệm vào từng đơn vị kiến thức, từng phần nhằm giúp học sinh củng cố sâu hơn kiến thức đã học.

1.3. Kinh nghiệm ôn môn GDCD

1.3.1. Xây dựng bộ câu hỏi cho từng bài.

Trong bài thi tổng hợp của kỳ thi khảo sát chất lượng lớp 9 và Kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT không chuyên chỉ áp dụng câu hỏi trắc nghiệm với môn GDCD. Nhưng trong các bài kiểm tra định kì vẫn sử dụng kết hợp cả 2 hình thức thi trắc nghiệm và tự luận. Vì vậy ngay từ đầu năm học tôi đã hoàn thiện 1 cuốn tài liệu dùng cho việc dạy và ôn tập môn GDCD 9. Cuốn tài liệu của tôi gồm 2 phần:

Phần 1: Bài tập trắc nghiệm.Trong phần này tôi xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm theo bài. Các câu hỏi có nhiều cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và cả vận dụng cao. Sau phần câu hỏi từng bài tôi còn xây dựng 2 bài ôn tập tổng hợp, mỗi bài là 100 câu hỏi trắc nghiệm.

Phần 2: Bài tập tình huống.Trong phần này tôi cũng đưa ra các bài tập tình huống của từng bài. Các bài tập tình huống tôi tham khảo trong cuốn “Bài tập tình huống GDCD 9” (Có tài liệu kèm theo: Ôn thi GDCD 9)

1.3.2. Sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực trong các tiết ôn tập.

Do đặc trưng của trường, trong suốt năm học nhà trường đều dành thời gian 1 buổi/tháng cho các môn Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa, GDCD để ôn tập cho học sinh nên tôi đã tổ chức 1 buổi ôn tập như sau:

Phần 1: Ôn tập lí thuyết.

          Để ôn tập kiến thức các bài đã học tôi thường vận dụng kĩ thuật sơ đồ tư duy để giúp học sinh ôn tập và hệ thống lại kiến thức.

- Sơ đồ tư duy nhằm trình bày một cách rõ rang những ý tưởng mang tính kế hoạch hay kết quả làm việc của cá nhân hay nhóm về một chủ đề. Sơ đồ tư duy có thể viết trên giấy, trên bảng trong, trên bảng hay thực hiện trên máy tính.

- Sơ đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy. Đây là cách dễ nhất để chuyển tải thông tin vào bộ não rồi đưa thông tin ra ngoài bộ não. Nó là một phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả nhằm “Sắp xếp” ý nghĩ. Việc dạy học bằng sơ đồ tư duy đã giúp giáo viên và học sinh:

Dạy học mang lại hiệu quả cao

Phát triển tư duy logic, khả năng phân tích tổng hợp

Học sinh dễ hiểu bài, nhớ lâu, các mối quan hệ của các nội dung trong chủ đề trở nên rõ ràng;

 Phù hợp với tâm sinh lí học sinh, đơn giản

Học sinh được luyện tập phát triển, sắp xếp các ý tưởng, nội dung luôn có thể bổ sung, phát triển, sắp xếp lại.

- Cách lập sơ đồ tư duy gồm 4 bước:

          Bước 1: Xác định chủ đề chính (chủ đề cần tìm hiểu) – Thường là tên bài

Bước 2: Phát triển ý tưởng tự do.Từ một chủ đề lớn, tìm ra các chủ đề nhỏ liên quan (chủ đề nhỏ). Từ mỗi chủ đề nhỏ lại tìm ra những yếu tố/nội dung liên quan (Chủ đề nhỏ hơn)..

Bước 3: Xem xét và thảo luận để loại bỏ nội dung trùng lặp, thiếu chính xác.

Bước 4: Hoàn thiện sơ đồ tư duy tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả về chủ đề lớn một cách đầy đủ và rõ ràng

- Một số lưu ý khi học sinh lập sơ đồ tư duy:

+ Trước khi có được các ý tưởng để vẽ được sơ đồ tư duy theo nhóm, GV cần dạy HS cách động não để tìm ra ý tưởng theo quy trình sau :

1. Để các ý tưởng phát triển tự do

2. Tôn trọng ý kiến của người khác (Không phê phán)

3. Kết hợp các ý tưởng

4. Đặt câu hỏi để phát triển các ý tưởng

5. Cử một thành viên ghi lại tất cả các ý tưởng

6. Khi không có thêm ý tưởng mới, bắt đầu lập sơ đồ tư duy

+ Khi vẽ sơ đồ tư duy cần hướng dẫn học sinh cách trình bày như sau:

Các nhánh chính cần được tô đậm, các nhánh cấp 2, cấp 3… mảnh dần.

Từ cụm từ/hình ảnh trung tâm toả đi các nhánh nên sử dụng các màu sắc khác nhau. Màu sắc của các nhánh chính được duy trì tới các nhánh phụ.

- Sau đây là 1 số sơ đồ tư duy tôi đã dùng để hướng dẫn học sinh:

Sơ đồ tư duy bài: Chí công vô tư

 

Sơ đồ tư duy bài: Tự chủ

Sơ đồ tư duy bài: Dân chủ và kỉ luật

 

Sơ đồ tư duy bài: Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới

Việc sử dụng sơ đồ tư duy không chỉ được áp dụng vào các tiết ôn tập mà còn phát huy được tác dụng ở các tiết thực hành ngoại khóa hoặc trải nghiệm sáng tạo. Các sản phẩm sơ đồ tư duy mà học sinh đã làm thể hiện rõ sự “chuyên nghiệp” của học sinh. Học sinh không chỉ biết hệ thống kiến thức mà còn thể hiện được tài năng hội họa của mình.

Dưới đây là 1 số sơ đồ tư duy học sinh trường THCS Trung Nghĩa đã thực hiện và trình bày trong các tiết trải nghiệm sáng tạo môn GDCD 9:

Phần 2: Bài tập.

Bài tập trắc nghiệm.

Để hoàn thành các câu hỏi trắc nghiệm tôi thường vận dụng phương pháp trò chơi.

Tùy theo số lượng câu hỏi trắc nghiệm của từng bài, tôi cho học sinh làm việc cá nhân trong 1 thời gian nhất định. Sau khi học sinh làm việc cá nhân tôi cho học sinh chữa các câu hỏi bằng hình thức trò chơi. Các trò chơi này có tên gọi: “Cóc vàng tài ba”, “đua xe”, “Sút luân lưu”... Các trò chơi này được tôi sử dụng trên phần mềm Violet. Việc chơi trò chơi này trên bảng tương tác thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Việc sử dụng trò chơi này có rất nhiều ưu điểm:

          Học sinh hào hứng, nhiệt tình tham gia

          Với số lượng câu hỏi trắc nghiệm nhất định, nhưng mỗi lượt chơi thứ tự xuất hiện của các câu hỏi không giống nhau, tránh việc học sinh cảm thấy nhàm chán và làm theo kiểu thuộc đáp án.

          Sau mỗi câu hỏi học sinh biết ngay mình làm đúng hay sai.

          Phần mềm còn chấm điểm sau mỗi lần chơi.

Dưới đây là hình ảnh một số trò chơi tôi đã vận dụng trong các tiết ôn tập:

 

 

 

          Để thay đổi hình thức, giáo viên có thể đưa các câu hỏi trắc nghiệm vào phần “Bài tập trắc nghiệm” của phần mềm Violet để học sinh tương tác 1 cách sinh động, lôi cuốn hơn cách làm trắc nghiệm thông thường.

          Sau mỗi câu hỏi học sinh có thể tự kiểm tra bằng cách ấn và nút “Kết quả”. Khi trả lời đúng học sinh sẽ nhận được tiếng vỗ tay và lời chúc mừng:

Khi trả lời chưa chính xác học sinh cũng có thể biết ngay:

Bài tập tình huống.

          Số lượng các bài tập tình huống không nhiều và để phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh tôi thường sử dụng phương pháp “đóng vai”.

- Đóng vai là phương pháp tổ chức cho HS thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Đây là phương pháp nhằm giúp HS suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà các em vừa thực hiện hoặc quan sát được. Việc “diễn” không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là sự thảo luận sau phần diễn ấy.

- Tôi tiến hành đóng vai theo các bước sau :

          + Giáo viên chia nhóm, giao tình huống đóng vai cho từng nhóm và quy định rõ thời gian chuẩn bị, thời gian đóng vai

          + Các nhóm thảo luận chuẩn bị đóng vai

          + Các nhóm lên đóng vai

          + Giáo viên phỏng vấn học sinh đóng vai

                   Vì sao em lại ứng xử như vậy?

                   Cảm xúc, thái độ của em khi thực hiện cách ứng xử? Khi nhận được cách ứng xử (đúng hoặc sai)?

          +Lớp thảo luận, nhận xét:

                   Cách ứng xử của các vai diễn phù hợp hay chưa phù hợp? Vì sao?

                   Chưa phù hợp ở điểm nào? Vì sao?

          + Giáo viên kết luận về cách ứng xử cần thiết trong tình huống.

- Phương pháp đóng vai có những tác dụng sau:

          + Gây được hứng thú cho người học

          + Rèn cho học sinh tính mạnh dạn, tự tin trước khi đứng trước đông người.

          + Đóng vai khích lệ, thay đổi thái độ, hành vi của người học theo định hướng trước. Ta có thể thấy ngay tác động của lời nói hoặc việc làm của các vai diễn.

          + Đóng vai giúp học sinh thực hành những kĩ năng trong môi trường an toàn, được giám sát trước khi xảy ra các tình huống thực.

1.3.3. Khi đánh giá kết quả bài trắc nghiệm (trong các giờ ôn tập) phải xem xét cách tư duy nhanh để dẫn đến kết quả chứ không chỉ căn cứ vào kết quả cuối cùng.

          Trước hết, trắc nghiệm nói chung và trắc nghiệm giáo dục nói riêng chỉ cho ta biết kết quả chứ không cho ta biết quá trình dẫn đến kết quả. Do vậy không tránh khỏi những trường hợp học sinh trả lời bằng cách đoán mò, hú họa, ngẫu nhiên. Các cách kiểm tra truyền thống thì không thể làm như vậy. Đây là 1 nhược điểm lớn cần khắc phục. Để khắc phục nhược điểm này chúng ta cần tính đến sự chênh lệch giữa câu trả lời sai với số câu đã đưa. Ngoài ra, khi HS lựa chọn đáp án, GV có thể hỏi học sinh vì sao em lại lựa chọn đáp án đó….

2. Khả năng ứng dụng, triển khai kết quả sáng kiến

2.1. Thời gian áp dụng

Sáng kiến này tôi đã áp dụng trong thực tế giảng dạy của bản thân bắt đầu từ năm học 2017-2018 và học kì I năm học 2019-2020. Tôi đã vận dụng tất cả các biện pháp đã nêu vào thực tế giảng dạy và ôn tập môn GDCD. Khi áp dụng những biện pháp đó tôi thấy học sinh rất hào hứng, cảm thấy giờ học trôi qua rất nhanh và đặc biệt hiệu quả đạt được là các bài kiểm tra, các bài thi các em đã làm điểm rất cao.

2.2. Khả năng thay thế giải pháp

Việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực (trò chơi, đóng vai, sơ đồ tư duy…) mọi giáo viên đã và đang làm rất tốt. Các giải pháp mà tôi đã đưa ra chỉ là 1 chút thay đổi về hình thức để bài học lôi cuốn hơn và học sinh có nhiều cơ hội thực hành hơn. Vì từ xa xưa, người phương Đông đã có câu: “Tôi nghe thì tôi quên, tôi nhìn thì tôi nhớ, tôi làm thì tôi hiểu”. Những kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã cho thấy, học sinh chỉ có thể nhớ được 5% nội dung kiến thức thông qua đọc tài liệu. Nếu ngồi thụ động nghe thầy giảng thì nhớ được 15% nội dung kiến thức. Nếu quan sát có thể nhớ 20%. Kết hợp nghe và nhìn thì nhớ được 25%. Thông qua thảo luận với nhau, học sinh có thể nhớ được 55%. Nhưng nếu HS được trực tiếp tham gia vào các hoạt động để qua đó tiếp thu kiến thức thì có khả năng nhớ tới 75%. Còn nếu giảng lại cho người khác thì có thể nhớ tới được 90%.

Việc sử dụng bảng tương tác và phần mềm Violet ngày càng phổ biến trong các trường hiện nay. GV đã được cung cấp miễn phí phần mềm Violet (Trường THCS Nguyễn Quốc Ân, Trường THCS Hiến Nam, Trường THCS Trung Nghĩa…) nên việc áp dụng phần mềm Violet trong dạy học không còn là điều quá khó khăn. Nếu không sử dụng phần mềm Violet chúng ta có thể sử dụng phần mềm powerpoint để thay thế. Tuy nhiên khi sử dụng phần mềm powerpoint thì khả năng tương tác của học sinh sẽ bị hạn chế nhiều.

Đối với các trường học đã lắp sẵn máy chiếu trong từng phòng học giống như trường THCS Trung Nghĩa thì việc áp dụng sáng kiến này càng dễ dàng thực hiện.

2.3. Khả năng áp dụng ở đơn vị hoặc trong ngành

- Việc áp dụng sáng kiến “Kinh nghiệm dạy – ôn môn GDCD phù hợp với hình thức thi – kiểm tra trắc nghiệm” đã được trường THCS Trung Nghĩa thực hiện khá tốt trong những năm học gần đây. Trong quá trình áp dụng vào thực tế tổ chuyên môn và Hội đồng chuyên môn nhà trường luôn rút kinh nghiệm, tham gia đóng góp ý kiến để sáng kiến ngày càng hoàn thiện hơn.

Bản thân tôi thiết nghĩ không chỉ trường THCS Trung Nghĩa áp dụng được sáng kiến này mà mỗi đơn vị trường học khác cũng có thể áp dụng vào thực tiễn giảng dạy đối với môn GDCD nói riêng và tất cả các môn học khác nói chung.

2.4. Lợi ích kinh tế xã hội

Sáng kiến của tôi giúp giáo viên học tập, ứng dụng được ngay những giải pháp mà tôi đã đưa ra. Vì những giải pháp mà tôi đã đưa ra trong sáng kiến là những giải pháp mà tôi đã thực thi và đạt được những thành công nhất định. Điều này giúp giáo viên không phải “dò đường” nhanh chóng ứng dụng trong thực tế giảng dạy của bản thân mình.

Sáng kiến kinh nghiệm của tôi đúc kết nhiều khía cạnh lí luận cũng như thực tiến nên có thể vận dụng có hiệu quả ở các trường học khác.

2.5. Kết quả thực hiện

Qua việc áp dụng những kinh nghiệm mà tôi đưa ra trong sáng kiến vào thực tế giảng dạy và ôn tập môn GDCD 9, tôi thấy đã đạt được một số kết qua sau:

* Đối với giáo viên:

- Tuy mất khá nhiều thời gian chuẩn bị, nhưng giáo viên rất “nhàn” khi áp dụng vào giảng dạy bài mới hoặc các tiết ôn tập.

- Tạo được tình huống có vấn đề rất sinh động và hấp dẫn để giáo viên khắc sâu kiến thức. Từ đó làm cho không khí lớp học thoải mái, kích thích được tin thần học tập của học sinh, đặc biệt với những em sức học yếu, chậm, nhút nhát.

- Thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục một cách sáng tạo và hiệu quả.

- Nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên trong dạy và học.

* Đối với học sinh: Giúp các em

- Rèn luyện tư duy, tác phong nhanh nhạy biết xử lí tình huống linh hoạt

- Học sinh thích thú do đó tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn

- Các em có điều kiện cùng chuẩn bị, chủ động trong học tập

* Bài giảng minh họa

TUẦN 17

Ngày soạn:  …./ 12 / 2019                                                      Ngày dạy: … / 12 / 2019

Tiết:17

ÔN TẬP HỌC KÌ I

 

I: MỤC TIÊU:

1.Về kiến thức

Giúp học sinh ôn tập và hệ thống hóa các kiến thức đã học trong học kì I

2. Về kĩ năng

- Có kĩ năng hệ thống hóa kiên thức và kĩ năng giải quyết các dạng bài tập đã biết

3. Về thái độ:

- Tích cực ôn tập để chuẩn bị kiểm tra.

4. Năng lực, phẩm chất:

- Năng lực:

+ Tự học, giải quyết vấn đề, sáng tạo

+ Tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi phù hợp PL và chuẩn mực đạo đức XH

+ Tự chịu trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm công dân với cộng đồng, ĐN

- Phẩm chất:

          +  Yêu gia đình, yêu quê hương đất nước

          + Thực hiện nghĩa vụ đạo đức, tôn trọng chấp hành kỉ luật, pháp luật

II. CHUẨN BỊ

1. Giáo viên:

- SGK, SGK, giáo án + Máy chiếu, bảng phụ

2. Học sinh:         Học bài cũ + chuẩn bị bài mới

III. TIẾN TRÌNH TIẾT DẠY

1. Ổn định lớp.

- Sĩ số lớp 9A:........

- Kiểm tra bài cũ (Lồng trong bài)

2. Tổ chức các hoạt động dạy học

2.1. Khởi động

- GV tổ chức trò chơi: “Đội nào nhanh hơn”. GV chọn 2 đội chơi, mỗi đội 5 người. Yêu cầu mỗi đội hoàn thiện 1 sơ đồ trống, đội nào hoàn thiện sơ đồ đúng và xong trước là đội thắng cuộc.

 

         - HS chơi

          - GV yêu cầu HS nhận xét

          - GV NX -> vào bài: Từ đầu năm đến giờ, cô trò ta đã học được 8 bài về những phẩm chất đạo đức cần thiết trong cuộc sống của mỗi con người và xã hội. Vậy để hệ thống lại các bài học đó, cô trò ta sẽ ôn tập lại trong tiết học này.

2.2. Hoạt động luyện tập

HOẠT ĐỘNG CỦA GV & HS

NỘI DUNG (KT-KN)

HĐ 1: Ôn tập lí thuyết

*Phương pháp: Hợp đồng....

* Kĩ thuật: sơ đồ tư duy...

* Năng lực: Sáng tạo....

* Phẩm chất: yêu gia đình, quê hương

* Hình thức tổ chức dạy học: nhóm...

* Cách thức tiến hành:

- GV đã chia lớp thành 8 nhóm (Tùy vào số lượng học sinh từng lớp để chia nhóm) yêu cầu HS khái quát nội dung đã học bằng sơ đồ tư duy (Phần này HS đã chuẩn bị trước)

+ Nhóm 1: Chí công vô tư

+ Nhóm 2: Tự chủ

+ Nhóm 3: Dân chủ và kỉ luật

+ Nhóm 4: Bảo vệ hòa bình

+ Nhóm 5: Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới

+ Nhóm 6: Hợp tác cùng phát triển

+ Nhóm 7: Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

+ Nhóm 8: Năng động, sáng tạo

- HS đại diện từng nhóm trình bày

- HS khác nhận xét, bổ sung

- GV nhận xét -> chốt

HĐ 2: Bài tập

*Phương pháp: luyện tập- thực hành, thảo luận nhóm

* Kĩ thuật: chia nhóm...

* Năng lực: sử dụng ngôn ngữ, hợp tác...

* Phẩm chất: yêu gia đình, quê hương

* HT tổ chức dạy học: cả lớp, nhóm...

* Cách thức tiến hành:

 

Những việc làm nào sau đây thể hiện đức tính chí công vô tư? Vì sao những việc làm còn lại không chí công vô tư?

a. Làm việc vì lợi ích chung

b. Giải quyết công việc công bằng

c. Chỉ chăm lo cho lợi ích của mình

d. Không thiên vị

e. Dùng tiền bạc, của cải nhà nước cho việc cá nhân

- HS làm -> HS khác nhận xét

- GV nhận xét -> Chốt

 

- GV trình chiếu yêu cầu bài tập 2, hướng dẫn  -> Yêu cầu học sinh làm

Câu ca dao sau nói nên điều gì? Em có hành động như câu ca dao không?

      " Trống chùa ai vỗ thì thùng

Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng"

- HS làm -> HS khác nhận xét

- GV nhận xét -> Chốt

 

- GV chia nhóm -> đưa tình huống -> Yêu cầu học sinh thảo luận để giải quyết tình huống và giải thích vì sao em lại giải quyết tình huống đó như vậy?

Nhóm 1: Em đi học về muộn vừa đói vừa mệt những mẹ vẫn chưa nấu cơm

Nhóm 2: Em thấy bạn em có thái độ thiếu lịch sự với người nước ngoài

Nhóm 3: Bạn em nói là học sinh không cần năng động, sáng tạo chỉ cần học theo lời thầy cô giáo là đủ.

- HS thảo luận

- GV yêu cầu HS trình bày

- GV gọi HS khác nhận xét

- GV nhận xét -> Chốt

I. Lí thuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II. Bài tập

 

 

 

 

 

 

 

1. Bài 1:

Những việc làm thể hiện đức tính chí công vô tư: a, b, d

Những việc làm không chí công vô tư: c, e

 

 

 

 

 

 

 

2. Bài 2:

- Câu ca dao nói về những người không chí công vô tư đã lấy của công làm của riêng

- Em sẽ không hành động như nội dung câu ca dao

 

 

 

3. Bài 3:

- Nhóm 1: Em sẽ hỏi vì sao mẹ chưa nấu cơm, cùng mẹ nấu cơm hoặc mình tự đi nấu (Thể hiện tính tự chủ)

- Nhóm 2: Em khuyên bạn nên lịch sự với người nước ngoài để thể hiện lòng hiếu khách, tôn trọng người khác để thể hiện tình hữu nghị của người dân Việt Nam, tạo ấn tượng tốt đối với khác nước ngoài         

- Nhóm 3: HS rất cần phải năng động, sáng tạo. Vì có năng động sáng tạo thì kết quả học tập mới tốt và có thể chủ động trong mọi việc.

2.3. Hoạt động vận dụng

          Khái quát toàn bộ chương trình GDCD 9 – HKI bằng 1 sơ đồ tư duy

2.4. Hoạt động tìm tòi mở rộng

- Ôn tập các bài đã học trong học kì I

          - Xem lại các dạng bài tập đã làm

          - Chuẩn bị bài mới: Kiểm tra học kì I

PHẦN III: KẾT LUẬN

1. Kết luận chung.

Khi áp dụng những kinh nghiệm dạy – ôn môn GDCD ở trường THCS Trung Nghĩa, tôi nhận thấy học sinh đã có sự chuyển biến. Cụ thể:

- HS tích cực giao lưu với các bạn, thầy cô giáo hơn, trong mỗi giờ học tất cả học sinh đều muốn tham gia và tham gia vào quy trình dạy – học, các em không còn thụ động ngồi nghe giáo viên giảng bài mà cảm thấy hứng thú hơn, hăng say phát biểu bài hơn.

- Đa số học sinh nắm chắc kiến thức, không ngại làm bài tập trắc nghiệm.

- Các em đã giảm dần thời gian làm bài cho 1 câu trắc nghiệm.

- Các em làm đúng nhiều câu hỏi trắc nghiệm hơn.

 - Các tiết dạy học không còn tẻ nhạt, khô khan mà trở thành những tiết học bổ ích, lý thú hấp dẫn.

- Học sinh cảm thấy nhẹ nhàng, dễ dàng tiếp thu bài học và nhớ kiến thức lâu hơn.

- Kết quả môn GDCD các lớp tôi dạy không có HS nào xếp loại yếu, loại trung bình rất ít chủ yếu là học sinh khá – giỏi. Trong các kì khảo sát chất lượng lớp 9, môn GDCD trong bài thi tổng hợp cũng là môn có tỉ lệ số câu học sinh trả lời đúng nhiều nhất.

           Trong quá trình giảng dạy - ôn tập môn GDCD, bản thân tôi cũng nhận thấy còn một số thiếu sót, hạn chế khi áp dụng các kinh nghiệm trên. Bởi kinh nghiệm trên chỉ là kinh nghiệm chủ quan của cá nhân tôi và những kinh nghiệm đó bản thân tôi cũng chỉ mới áp dụng được chủ yếu là ở một số lớp. Tuy nhiên tôi cũng xin được chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp mong góp một chút sức mình vào công tác đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường.Trong quá trình thể nghiệm và viết lý thuyết những kinh nghiệm này không tránh khỏi thiếu sót rất mong được sự góp ý, chỉnh sửa của lãnh đạo nhà trường cũng như của các đồng nghiệp.

 

2. Điều kiện áp dụng:

          Tất cả các giáo viên dạy GDCD ở trường THCS có thể vận dụng giải pháp trên để nâng cao chất lượng dạy và học của mình, và đây là ý tưởng có thể phổ biến được. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm của từng đơn vị để áp dụng sao cho hợp lí.

3. Hướng tiếp tục nghiên cứu:

Đề tài có thể dùng để đi sâu vào một số lĩnh vực hẹp, cụ thể như: Phương pháp thiết kế, sử dụng các trò chơi trong Violet; sử dụng phương pháp đóng vai trong việc giảng dạy bộ môn GDCD…..

Các vấn đề mà đề tài chưa đề cập đến: Các phương pháp đổi mới kiểm tra đánh giá ở bộ môn.

4. Đề xuất, kiến nghị:

*Về phía nhà trường:

          - Phổ biến, hướng dẫn sử dụng một số phần mềm phục vụ việc dạy học như: violet, mindmap….

- Thường xuyên tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nhất là phương pháp giảng dạy đổi mới theo tinh thần SGK mới.

          - Thay đổi hình thức họp chuyên môn không đơn thuần là dự giờ – góp ý, mà tổ chức hội thảo bằng chuyên đề cụ thể.

          -  Áp dụng việc giảng dạy máy chiếu, bảng tương tác nhiều hơn để việc giảng dạy được thuận lợi hơn.

*Về phía lãnh đạo phòng giáo dục:

          - Tổ chức học tập nghiệp vụ về chuyên đề cụ thể tập trung theo nhóm trường hoặc cả thành phố.

          - Tổ chức hội thi làm chuyên đề.Tổng kết khen thưởng kịp thời – Nhân mô hình để học tập.

          - Kịp thời trang bị đầy đủ thiết bị và đồ dùng dạy học, sách tham khảo có chất lượng cho các trường.

          - Quan tâm đến chế độ chính sách khi giáo viên có nguyện vọng học tập nâng cao nghiệp vụ.    

Trên đây  là một số kinh nghiệm của tôi về dạy - ôn môn GDCD phù hợp với hình thức thi -kiểm tra trắc nghiệm mà tôi đã trình bày qua một số ví dụ cụ thể. Song về giải pháp không thể tránh khỏi những khiếm khuyết trong quá trình thực hiện. Rất mong các bạn đồng nghiệp góp ý, bổ sung thêm để tôi có nhiều kinh nghiệm tốt hơn, áp dụng có hiệu quả hơn vào thực tế giảng dạy.

Trung Nghĩa, ngày 4 tháng 3 năm 2020

Người thực hiện

 

 

     Nguyễn Thị Ngọc Huệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

3. Luật Nghĩa vụ quân sự - sửa đổi bổ sung năm 2005

4. Công văn liên quan đến tổ chức thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT. Cụ thể:

Công văn số: 9643/BGD&ĐT-KT&KĐ V/v hướng dẫn tổ chức thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ năm 2006 ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Bộ GD&ĐT.

Công văn số: 4821/BGDĐT-KT&KĐ V/v hướng dẫn thi trắc nghiệm ngoại ngữ năm 2006 ngày 09 tháng 06 năm 2006 của Bộ GD&ĐT.

Công văn số: 500/KTKĐCLGD V/v Chấm thi trắc nghiệm tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 ngày 10 tháng 07 năm 2009.

Công văn số: 5323/BGDĐT-KTKĐCLGD V/v Hướng dẫn thi trắc nghiệm ngày 14 tháng 07 năm 2009 của Bộ GD&ĐT.

Công văn số: 4818/BGDĐT-KTKĐCLGD V/v tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ GD&ĐT.

5. Các văn bản liên quan đến việc sử dụng hình thức thi trắc nghiệm đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt, cụ thể:

Công văn số: 846/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 15 tháng 3 năm 2017 quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018.

Công văn số: 555/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 12 tháng 02 năm 2018 Quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 tỉnh Hưng Yên.

Công văn số: 17/KH-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 30 tháng 01 năm 2019 về Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 tỉnh Hưng Yên.

6. Sách giáo khoa GDCD các khối lớp: 6-7-8-9

MỤC LỤC

Nội dung

Trang

PHẦN I: LÝ LỊCH

1

PHẦN II: NỘI DUNG

2

A. Phần mở đầu

2

I. Đặt vấn đề.

2

1. Thực trạng

3

2. Ý nghĩa, tác dụng của phương pháp mới

6

3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài

6

II. Các phương pháp tiến hành

7

1. Cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý của đề tài

7

a. Cơ sở lý luận của đề tài

7

b. Cơ sở thực tiễn của đề tài

8

2. Các phương pháp tiến hành và thời gian tạo giải pháp

9

a. Các phương pháp tiến hành

9

b. Thời gian tạo ra giải pháp

9

B. Phần nội dung

10

I. Mục tiêu

10

II. Mô tả giải pháp của sáng kiến

10

1. Thuyết minh tính mới

10

1.1. Kinh nghiệm trong việc sử dụng sách giáo khoa môn GDCD

10

1.2. Kinh nghiệm dạy bài mới môn GDCD

16

1.3. Kinh nghiệm ôn môn GDCD

20

2. Khả năng ứng dụng, triển khai kết quả sáng kiến

38

2.1. Thời gian áp dụng

38

2.2. Khả năng thay thế giải pháp

38

2.3. Khả năng áp dụng ở đơn vị hoặc trong ngành

39

2.4. Lợi ích kinh tế xã hội

39

2.5. Kết quả thực hiện

40

PHẦN III: KẾT LUẬN

45

1. Kết luận chung

45

2. Đề 2. Điều kiện áp dụng

46

3. Hướng tiếp tục nghiên cứu

46

4. Đề xuất, kiến nghị

46

TÀI LIỆU THAM KHẢO

48

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 29
Hôm qua : 122
Tháng 11 : 1.309
Năm 2024 : 33.314